Bayer Việt Nam và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp nhân rộng mô hình ForwardFarming tại Đồng bằng sông Cửu Long

  • Bayer Việt Nam và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đồng tổ chức chuỗi hoạt động tập huấn, thăm đồng và tọa đàm cùng nhà nông và các đối tác trong chuỗi giá trị sản xuất lúa, thảo luận về tiến độ và giải pháp phát triển mô hình “Canh Tác Lúa Bền Vững Hướng Đến Tương Lai – ForwardFarming”. 
  • Vụ lúa thứ ba của dự án tiếp tục thu được nhiều kết quả tích cực, bao gồm cải thiện khả năng tăng trưởng của cây lúa và các chỉ số đánh giá chất lượng đất, tiết kiệm lượng nước sử dụng và giảm phát thải trong quá trình canh tác.
  • Sự thành công của dự án ForwardFarming mang lại triển vọng tích cực trong việc nhân rộng mô hình canh tác đến nhiều tỉnh thành khác, góp phần thực hiện đề án  của Bộ NN & PTNT về phát triển một triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp, thúc đẩy xuất khẩu lúa và tăng trưởng xanh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
     

Cần Thơ, ngày 6 tháng 6 năm 2024 – Công ty TNHH Bayer Việt Nam cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKN QG), trực thuộc bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp tổ chức chuỗi hoạt động tập huấn, thăm đồng và tọa đàm nhằm đánh giá hiệu quả dự án ForwardFarming và thảo luận về các kế hoạch phát triển mô hình canh tác lúa bền vững tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Buổi tọa đàm với chủ đề “Tiềm năng mở rộng Mô hình Bayer ForwardFarming – Nông nghiệp bền vững hướng tới tương lai hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh cùng ĐBSCL”, được tổ chức tại ruộng thực nghiệm trong khuôn khổ dự án ForwardFarming xã Đông Thuận, với sự tham gia của Bayer Việt Nam, TTKN QG, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Cần Thơ, Viện lúa ĐBSCL, các đối tác dự án và nhà nông địa phương.

Bayer Vietnam
Bayer Việt Nam cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp tổ chức chuỗi hoạt động tập huấn, thăm đồng và tọa đàm nhằm đánh giá hiệu quả dự án ForwardFarming tại Cần Thơ.

Được ra mắt từ tháng 9/2023, sáng kiến ForwardFarming là sự hợp tác giữa Bayer Việt Nam và TTKN QG, với nhiều đối tác chiến lược trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, bao gồm các Sở Nông nghiệp & PTNT, Trung tâm KN địa phương, Viện Lúa ĐBSCL, Công ty thiết bị máy nông nghiệp Sài Gòn Kim Hồng, Công ty phân bón Bình Điền Bình Điền, Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam (Vinarice) cùng các đơn vị khác. Mục tiêu của dự án kéo dài trong ba năm này là giúp nhà nông Việt Nam có nâng cao hiệu quả canh tác lúa, gắn liền giảm thiểu các tác động đến môi trường. Điều này sẽ được hiện thực hóa qua ba hoạt động trọng tâm chính. 

Đầu tiên, dự án ứng dụng đồng bộ giải pháp và công nghệ canh tác lúa tiên tiến trên mô hình ruộng thực nghiệm, giảm các vật tư đầu vào đồng thời kiểm soát tốt phát thải và tác động môi trường. Kết quả thu được cho thấy hiệu quả rõ rệt của việc kết hợp phương thức bón phân tối ưu, tưới tiêu hợp lý và ứng dụng bộ giải pháp ‘Bội thu cây Lúa - Much More Rice’ của Bayer. 

Thứ hai, dự án chú trọng việc nâng cao năng lực và kiến thức canh tác bền vững cho nhà nông thông qua nhiều chương trình tập huấn. Tới thời điểm hiện tại, hơn 4,500 nhà nông tại Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang đã được hướng dẫn và chuyển giao kiến thức canh tác lúa chất lượng cao, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm, áp dụng các biện pháp giảm phát thải trong canh tác phù hợp với tập quán nhà nông và điều kiện địa phương.

Cuối cùng, sáng kiến ForwardFarming là nền tảng giúp thúc đẩy hợp tác công tư trong toàn chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo. Dự án đã được triển khai với sự chung tay của nhiều đơn vị bao gồm các trung tâm khuyến nông, sở nông nghiệp địa phương, các đơn vị cung cấp vật tư và công nghệ đầu vào, các cơ quan viện nghiên cứu,v.v từ đó có thể mở rộng phạm vị tiếp cận, nâng cao hiệu quả tập huấn cho nhà nông và nhân rộng mô hình này rộng khắp các tỉnh thành.

Trong vụ lúa Hè – Thu, nhà nông phải đối mặt với áp lực dịch hại cao hơn so với vụ Đông Xuân, đồng thời thời tiết mưa nhiều gây ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển lúa. Áp dụng đồng bộ công nghệ và giải pháp tiên tiến, mô hình ForwardFarming đã phần nào giải quyết được các thách thức này. Một số giải pháp đáng chú ý có thể kể đến như sử dụng giống xác nhận của Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam (Vinarice), bộ giải pháp bảo vệ thực vật Bội thu cây lúa (Much More Rice) của Bayer giúp quản lý dịch hại hiệu quả, công nghệ sạ cụm kết hợp bón vùi phân của đối tác Sài Gòn Kim Hồng giúp giảm lượng giống (60kg giống/ha so với tập quán nhà nông 150 – 180kg/ha), công thức bón phân tối ưu của Bình Điền giúp giảm lượng phân và công chăm sóc, biện pháp tưới ngập khô xen kẽ giúp tăng cường hiệu quả sử dụng nước,v.v.

Kết quả thu được trên ruộng thực nghiệm cho thấy năng suất lúa tăng đồng thời các chỉ số chỉ số về tính bền vững cũng được cải thiện rõ rệt. Theo chia sẻ từ anh Đỗ Trí Hùng, nhà nông tham gia dự án qua nhiều vụ, mô hình canh tác ForwardFarming  đã giúp giảm chi phí đầu vào từ 1,5 - 4,0 triệu đồng/ha và lợi nhuận tăng từ 13,1 - 54,9% qua các vụ so với mô hình canh tác truyền thống.

Theo khảo sát và đo lường của Viện Lúa ĐBSCL, các giải pháp đồng bộ của mô hình ForwardFarming giúp cải thiện mức độ tăng trưởng của cây và chất lượng đất trồng, giảm gần 50% lượng nước tưới (tương đương với 110m3/ha) so với tập quán canh tác trước đây. Đáng lưu ý, mô hình này giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính 24,7% trong quá trình canh tác. Đây là kết quả rất khả quan để có thể áp dụng vào Đề án phát triển 1 triệu hectar lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Kg Krishnamurthy
Ông Kg Krishnamurthy, Giám đốc Nhánh Khoa học cây trồng chia sẻ về những kết quả tích cực của dự án ForwardFarming.

“Chúng tôi tự hào về những bước tiến đã đạt được của dự án ForwardFarming, thể hiện qua hiệu quả của các công nghệ và giải pháp canh tác lúa bền vững. Điều này cho thấy việc hợp tác chặt chẽ giữa nhà nông và các cơ quan nhà nước và đối tác trong ngành có thể đem đến những tác động tích cực và to lớn. Với việc mở rộng mô hình này tại ĐBSCL, chúng ta đang nỗ lực xây dựng tiền đề hướng đến một nền nông nghiệp thịnh vượng và bền vững trong tương lai.” – Ông Kg Krishnamurthy, Giám đốc Nhánh Khoa học cây trồng, Bayer Việt Nam nhấn mạnh. 

Với mục tiêu mở rộng quy mô dự án ForwardFarming, Bayer Việt Nam, Trung tâm KN QG và các đối tác quan trọng đã thảo luận và đề ra một số kế hoạch phát triển, trong đó bao gồm tiếp tục việc nghiên cứu, phát triển và đánh giá hiệu quả các công nghệ và giải pháp trong việc nâng cao chất lượng cây trồng và giảm thiểu tác động môi trường; mở rộng mạng lưới đối tác chiến lược; mở rộng tập huấn các nhà nông tại An Giang, Kiên Giang và nhiều tỉnh thành khu vực ĐBSCL; qua đó từng bức thực hiện mục tiêu 1 triệu hecta lúa bền vững, chất lượng cao, phát thải thấp.
 


Về Bayer

Bayer là Tập đoàn toàn cầu có chuyên môn trong các lĩnh vực về Khoa học Đời sống, bao gồm Chăm sóc Sức khỏe và Dinh dưỡng. Sản phẩm và dịch vụ của Tập đoàn được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống con người thông qua việc hỗ trợ họ vượt qua những thách thức chính từ việc dân số toàn cầu đang gia tăng và già đi. Đồng thời, Tập đoàn hướng đến việc tăng cường tiềm lực tài chính và tạo ra giá trị thông qua các hoạt động sáng tạo và tăng trưởng. Bayer cam kết tuân thủ các nguyên tắc phát triển bền vững, thương hiệu Bayer đại diện cho niềm tin, độ tin cậy và chất lượng trên toàn thế giới. Trong năm tài chính 2023, Tập đoàn đã tuyển dụng 100,000 lao động và đạt doanh số 47,6 tỷ euro. Chi phí Nghiên cứu & Phát triển (R&D) lên đến 5,8 tỷ euro. Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập: www.bayer.com.


Ghi chú:
Thông cáo báo chí này có thể đề cập đến một số thông tin dự đoán dựa trên giả định và dự báo hiện tại của tập đoàn Bayer hoặc của các tập đoàn chi nhánh. Do đó, một số rủi ro không lường trước được hoặc không thể lường trước được, một số vấn đề chưa chắc chắn hoặc một số yếu tố khác có thể dẫn đến một số khác biệt giữa kết quả thực tế, tình hình tài chính, sự phát triển hay kết quả hoạt động của công ty so với các thông tin trên đây. Các yếu tố này bao gồm các vấn đề đã được đề cập trong các báo cáo công khai của Bayer (có thể xem tại www.bayer.com). Công ty không chịu bất kỳ nghĩa vụ pháp lý nào trong việc cập nhật ghi chú này hoặc điều chỉnh cho phù hợp với các sự kiện hoặc tình hình phát triển trong tương lai.