Bayer nỗ lực hợp tác cùng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh triển khai kênh thông tin điện tử nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng ngừa đột quỵ
- Sáng kiến chung thành lập kênh thông tin điện tử chuyên cập nhật và cung cấp thông tin chính xác về phòng ngừa và điều trị đột quỵ
- Đột quỵ, hay “tai biến mạch máu não”, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam, vì thế việc hỗ trợ người dân tiếp cận các thông tin tin cậy về bệnh đột quỵ ngày càng trở nên quan trọng
- Chương trình là một phần cam kết của Bayer về việc đạt được những kết quả điều trị tốt hơn, giúp nâng cao tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân mắc bệnh tim mạch tại Việt Nam
Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2020 - Bayer Việt Nam và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (QLKCB) đã ký kết Biên bản ghi nhớ xây dựng “Kênh thông tin điện tử Phòng chống đột quỵ dành cho người bệnh và cộng đồng giai đoạn 2021 - 2023”. Lễ ký kết đã được diễn ra tại văn phòng Bộ Y tế dưới sự tham gia của PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (QLKCB), Bộ Y tế - Phó Trưởng Ban phòng, chống bệnh không lây nhiễm và các cán bộ, nhân viên tại các bệnh viện trên cả nước trực thuộc Bộ Y tế. Lễ ký kết biên bản ghi nhớ lần này là một minh chứng cho thấy sự hợp tác giữa Bayer và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trong việc duy trì và phát triển kênh thông tin điện tử giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng ngừa đột quỵ
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đột quỵ hay tai biến mạch máu não là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong tại Việt Nam. Mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Mặc dù nhiều người may mắn sống sót sau cơn đột quỵ, nhưng họ vẫn phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí là mất khả năng lao động, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội. Thông thường, đột quỵ thường gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên, tuy nhiên độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Cụ thể, tỷ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng một phần ba tổng số các trường hợp đột quỵ. Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới cao gấp 4 lần nữ giới. Vì vậy mà, việc tăng cường khả năng tiếp cận các thông tin về phòng ngừa và điều trị bệnh đột quỵ trở nên rất cần thiết và quan trọng.
Hiện nay, với sự phát triển của internet, con người dễ dàng tiếp cận các thông tin về chăm sóc sức khỏe và thực hiện theo các thông tin tìm được. Vì vậy mà sự chính xác và đúng đắn của thông tin đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh tật. Thực tế hiện nay thông tin xuất hiện dày đặc và tràn lan trên mạng, rất khó để phân biệt đâu là các nguồn thông tin đáng tin cậy và chính xác. Do đó, cần có kênh thông tin đáng tin cậy để giúp cộng đồng có thể tiếp cận các nguồn thông tin đúng đắn về sức khỏe nói chung và bệnh đột quỵ nói riêng. Kênh thông tin điện tử nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc chủ động phòng chống bệnh đột quỵ của cục QLKCB và Bayer sẽ cung cấp cho người dân những kiến thức chính xác, khách quan và hữu ích về chủ động phòng ngừa và điều trị bệnh đột quỵ. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, sáng kiến này đã mang lại một phương thức an toàn, tiện lợi để chia sẻ các kiến thức thiết thực, hữu ích đến bệnh nhân và người nhà một cách sâu rộng, kịp thời.
.
Nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc chủ động phòng ngừa bệnh đột quỵ, cũng như vai trò của thông tin số trong việc tăng cường khả năng tiếp cận nguồn thông tin tin cậy cho người bệnh, cục QLKCB mong muốn thiết lập và quản lý một kênh thông tin điện tử chuyên cung cấp thông tin quan trọng về bệnh lý đột quỵ cho cộng đồng, một cách dễ hiểu và gần gũi như các nguyên nhân, triệu chứng, các phương pháp điều trị và cũng như những khuyến nghị nhằm phòng ngừa đột quỵ thông qua việc thay đổi lối sống và tuân thủ điều trị.
Kênh thông tin điện tử này được gắn kết vào trang thông tin điện tử hiện hành của cục QLKCB và sẽ được cập nhật, cung cấp thường xuyên các thông tin về thói quen xây dựng lối sống lành mạnh, giúp phòng ngừa bệnh đột quỵ và cải thiện sức khỏe của bản thân, cũng như việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh đột quỵ. Điều này mở ra hy vọng sẽ ngày càng có nhiều kênh thông tin điện tử chính thức từ Bộ Y tế về đa dạng các loại bệnh lý khác nhau, không chỉ riêng bệnh đột quỵ, để góp phần nâng cao nhận thức và chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Những nguồn thông tin đáng tin cậy này sẽ giúp các bác sĩ có thêm các công cụ hỗ trợ cho việc tư vấn, khuyến cáo bệnh nhân về phòng chống bệnh tật nói chung và bệnh đột quỵ nói riêng, tạo ra một khối sức mạnh liên kết cho sức khỏe toàn dân.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - Phó Trưởng Ban phòng, chống bệnh không lây nhiễm chia sẻ: “Thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống bệnh không lây nhiễm của Việt Nam giai đoạn 2013-2020 và xây dựng chiến lược cho giai đoạn tiếp theo là một trong những trọng tâm quan trọng của ngành Y tế. Chương trình Nâng cao ý thức của cộng đồng về phòng, chống Đột quỵ tại Việt Nam 2021 – 2023 theo đúng các giải pháp đề ra trong Chiến lược, với sự đồng hành của Công ty Bayer sẽ góp phần đạt được mục tiêu về nâng cao nhận thức đúng và đầy đủ của cộng đồng về đột quỵ”.
Với cương vị là một công ty toàn cầu có chuyên môn trong các lĩnh vực về khoa học đời sống, chương trình là một phần trong cam kết luôn đặt người bệnh làm trung tâm của Bayer nhằm mang đến những kết quả điều trị tốt hơn, giúp nâng cao tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Bác sĩ Trần Thị Lan Hương, Giám đốc Y khoa nhánh Dược phẩm, Bayer Việt Nam cho biết: “Chúng tôi luôn nỗ lực mang lại các giá trị tốt đẹp cho cộng đồng địa phương thông qua các sản phẩm y tế, công nghệ tiên tiến và nhiều chương trình có tác động tích cực, với mục tiêu đáp ứng các nhu cầu y tế trong các khu vực cụ thể, hướng tới lấy quyền lợi bệnh nhân làm trung tâm. Thông qua mối quan hệ hợp tác với Bộ Y tế lần này, Bayer mong muốn nhấn mạnh cam kết của mình trong việc giảm thiểu các gánh nặng y tế về bệnh tim mạch đối với mỗi cá nhân nói riêng và cộng đồng nói chung, từ đó từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.”